Tổng quan về tình hình phát triển năng lượng xanh trên địa bàn TP HCM

Ngày đăng : 23/05/2024

  1. Hiện trạng nguồn điện của TP HCM

TP HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thành phố được cung cấp điện từ hệ thống điện Miền Nam thông qua các đường đây 500kV - 220kV - 110kV. Do vị trí địa lý, TP HCM nằm ở gần các trung tâm nguồn lớn của hệ thống điện Miền Nam nên khả năng cung cấp điện thuận lợi và tin cậy. Phụ tải điện của TP HCM chủ yếu được cấp điện từ các nguồn nhiệt điện lớn trong khu vực. Tổng công suất đặt các nhà máy điện tại các trung tâm điện lực cung cấp cho Thành phố là 12.454,2 MW. Tuy nhiên hầu hết đều cấp điện từ các trung tâm nhiệt điện lớn nằm bên ngoài Thành phố thông qua hệ thống đường dây truyền tải. Trên địa bàn Thành phố còn có một số nguồn điện khác như điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), nhà máy điện đốt chất thải rắn với quy mô không lớn. Tính đến nay, toàn Thành phố có 14.059 hệ thống ĐMTMN đang ký hợp đồng mua bán ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 353,7 MWp, chiếm tỉ lệ 3,69% so với tổng công suất lắp đặt ĐMTMN của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng công suất lưới điện Thành phố.

2. Tình hình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới

Theo Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học – công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Trên cơ sở đó, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, các nguồn năng lượng tái tạo sau đây sẽ được xem xét, đánh giá tiềm năng nhằm khai thác phục vụ cho mục đích sản xuất điện trên địa bàn Thành phố, bao gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng từ nguồn chất thải rắn và năng lượng khí sinh học.

a) Năng lượng gió

 Huyện Cần Giờ là khu vực có tiềm năng gió cao nhất của TP HCM và cũng là nơi có giá trị tốc độ gió trung bình tương đối cao. Tuy nhiên, hiện nay khu vực Thành phố chưa có dự án điện gió nào được triển khai đầu tư hoặc đưa vào đưa vào trong quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia.

b) Năng lượng mặt trời

TP HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1,581kWh/m2/năm. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP HCM rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN. Tính đến nay, toàn Thành phố có Thành phố mới chỉ có 14.059 hệ thống ĐMTMN đang ký hợp đồng mua bán ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 353,7 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện, đạt tỉ lệ 3,69% so với tổng công suất lắp đặt của cả nước. Tổng sản lượng điện phát trung bình hàng năm là 515 triệu kWh. Trong đó, khách hàng tự tiêu thụ trung bình 215 triệu kWh (chiếm 42%), sản lượng điện dư phát lên lưới trung bình là 300 triệu kWh (chiếm 58%).

TP HCM đã khảo sát, tính toán tiềm năng có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 5.081 MWp. Do đó Thành phố đã đặt mục tiêu phát triển ĐMTMN như sau:

Giai đoạn đến năm 2025: Thành phố sẽ lắp đặt được khoảng 748 MWp, đạt tỷ lệ 14,72 % tổng tiềm năng ĐMTMN toàn Thành phố. 

Giai đoạn 2026-2030: Thành phố sẽ lắp đặt được khoảng 1.505 MWp, đạt tỷ lệ 29,62 % tổng tiềm năng ĐMTMN toàn Thành phố.

Nhằm tối ưu hóa các chính sách về phát triển ĐMTMN tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Sở Công Thương xây dựng Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, tổng công suất hệ thống ĐMTMN trên trụ sở công dự kiến lắp đặt trên địa bàn toàn Thành phố là khoảng 166,357MWp; trong giai đoạn 2023-2028: phấn đấu đạt mục tiêu lắp đặt 50% các tòa nhà công sở trên địa bàn Thành phố, tương ứng với công suất là 84MWp.

   Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang triển khai Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới, trong đó có hạng mục lắp đặt hệ thống pin mặt trời tại Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (diện tích 38,75 ha) thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Tổng công suất lắp đặt là 3,377 MWp với diện tích lắp đặt là 15.000 m2. Hệ thống này thuộc mô hình điện mặt trời tự sản tự tiêu, tự sử dụng, có liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát ngược lên hệ thống lưới điện Quốc gia và không bán điện cho tổ chức, cá nhân nào khác.

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất phát triển điện mặt trời mái nhà phân bổ cho TP HCM chỉ có 73MW. Ủy ban nhân dân TP HCM đang kiến nghị Bộ Công Thương cập nhật, bổ sung tên dự án Hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 3,377 MWp và tên Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch VIII.

Solar panels on a roof

Description automatically generatedSolar panels on a roof

Description automatically generated

Hệ thống ĐMTMN tại Trường đại học Bách Khoa TP HCM, Quận 10

c) Năng lượng từ nguồn chất thải rắn

Trên địa bàn TP HCM đã có dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, đó là: Nhà máy điện rác Gò Cát bao gồm 3 tổ máy phát điện với tổng công suất lắp đặt là 2.4MW (đưa vào vận hành năm 2007), tuy nhiên đến nay đã ngừng vận hành do công nghệ đã cũ, lạc hậu.

Giai đoạn từ 2023 - 2025, trên địa bàn TP HCM có một số dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, đó là:

Dự án “Nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa”, giai đoạn 1 với công suất phát điện khoảng 40MW;

Dự án “Nhà máy điện rác VietStar”, giai đoạn 1 với công suất phát điện khoảng 40MW;

Dự án “Nhà máy điện rác Tasco”, giai đoạn 1 với công suất phát điện khoảng 40MW;

Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ Plasma dự kiến đặt tại khu liên hợp Đa Phước, huyện Bình Chánh với công suất thiết kế 57.68MW.

Với lượng rác thải ngày càng tăng cao đồng hành với sự phát triển đô thị hóa của Thành phố, thì các giai đoạn sau vẫn còn tiềm năng phát triển, dự kiến đến năm 2030 có thể phát triển thêm từ 150 – 200MW nguồn điện từ xử lý rác.

Việc phát triển nguồn điện từ rác đem lại nhiều lợi ích liên quan đến môi trường, an ninh, an toàn chất thải tại các đô thị lớn. Ngoài ra, nguồn điện sản xuất từ rác được đánh giá là ổn định hơn so với một số nguồn phát điện khác như không phụ thuộc và điều kiện thời tiết như điện mặt trời, thủy điện; không phụ thuộc vào biến động giá nhiên liệu như điện than, điện khí, v.v. Theo đó, nhu cầu tối thiểu về quy mô nguồn điện sản xuất từ rác của TP HCM cần được bố trí đến năm 2030 là 240 MW. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu ước tính khối lượng rác phát sinh đến năm 2030 tại Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô nguồn điện rác đối với khối lượng phát sinh thêm đến năm 2030 là 100 MW. Như vậy, quy mô nguồn điện rác của Thành phố đến năm 2030 là 340 MW. Tuy nhiên, quy mô nguồn điện sản xuất từ rác của TP HCM trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chỉ được phân bổ 123 MW. Hiện, Ủy ban nhân dân TP HCM đang kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh quy mô nguồn điện rác của TP HCM đến năm 2030 tối thiểu đáp ứng 240 MW để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý về nguồn điện đối với các dự án xử lý rác có thu hồi năng lượng của Thành phố.

d) Năng lượng sinh khối

Hiện tại, nguồn năng lượng sinh khối, đặc biệt là củi, vẫn là nguồn chất đốt quan trọng cho đun nấu, chế biến nông sản. Ở khu vực thành thị như TP HCM, do điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, hầu hết các hộ dân đã không còn sử dụng gỗ củi cho đun nấu. Bên cạnh đó một số loại sinh khối như trấu, các loại cây gỗ được sử dụng để sản xuất các viên nén trấu, gỗ, mùn cưa phục vụ cho mục đích xuất khẩu và tiêu thụ nội địa (làm nhiên liệu cho các lò đốt hơi công nghiệp). Xét về mặt kỹ thuật, TP HCM ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối. Theo kết quả điều tra, khảo sát và tính toán, tiềm năng nguồn sinh khối chưa được khai thác sử dụng tại thành phố, mà chủ yếu là nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM luôn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm nhẹ tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Do đó, có thể nhận thấy TP HCM không có nhiều tiềm năng về khai thác nguồn năng lượng sinh khối cho sản xuất điện.

e) Năng lượng khí hóa lỏng LNG

Hiện nay trên địa bàn TP HCM, nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước quy mô 1.200 MW đã được Thủ tướng phê duyệt về việc chuyển đổi nhiên liệu và bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo Văn bản 1264/TTg-CN ngày 17/9/2020. Theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước sẽ được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021 – 2030.

Lượt xem: 2151 | In :
Đưa tin: Phan Hoàng Tâm