Chiến lược phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Đề án của USAID)
Ngày đăng : 29/05/2024
1. Hiện trạng nguồn điện của TP HCM
TP HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thành phố được cung cấp điện từ hệ thống điện Miền Nam thông qua các đường đây 500kV - 220kV - 110kV. Do vị trí địa lý, TP HCM nằm ở gần các trung tâm nguồn lớn của hệ thống điện Miền Nam nên khả năng cung cấp điện thuận lợi và tin cậy. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải phát triển nhanh nhóng, hệ thống điện TP HCM đã và đang được đầu tư xây dựng với quy mô khối lượng, độ hiện đại và khả năng giám sát và vận hành với mức độ tin cậy, an toàn và thông minh, được đánh giá là đứng đầu cả nước. Phụ tải điện của TP HCM chủ yếu được cấp điện từ các nguồn điện lớn đến từ năng lượng hóa thạch nằm bên ngoài Thành phố. Tổng công suất đặt các nhà máy điện tại các trung tâm điện lực cung cấp cho Thành phố là 12.454,2 MW. Trên địa bàn Thành phố còn có một số nguồn điện khác như điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), nhà máy điện đốt chất thải rắn với quy mô không lớn. Tuy nhiên, với tiềm năng đa dạng về nguồn điện như: điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện rác, Thành phố vẫn đang hướng tới mục tiêu khai thác và phát triển các nguồn năng lượng này để góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải cac-bon và đảm bảo cung ứng điện cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và toàn quốc nói chung. Thành phố hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 với định hướng phát triển theo chiều sâu, tập trung vào mảng công tác quan trọng là năng lượng xanh và sạch, thúc đẩy chuyển đổi số giúp Thành phố nhanh chóng đạt mục tiêu về tối ưu phát thải cac-bon, qua đó góp phần tích cực vào việc đảm bảo hạ tầng điện thông minh và an ninh năng lượng.
2. Chiến lược phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng mới
Để phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn TP HCM, ngày 28/5/2020, Thành ủy TP HCM đã ban hành Chương trình hành động số 37, thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và 2045, trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất thực tại đạt tối thiểu 15%, tương ứng trên 600 MWvào năm 2025 và trên 1.200 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, tính đến nay, kết quả thực hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng và đề xuất đầu tư.
Loại hình | Đề xuất đầu tư | Hoàn thành |
---|---|---|
ĐMTMN | 5.081 MWp | 350 MWp |
Điện rác | 340 MW | 0 MW |
Điện gió trên bờ | 55 MW | 0 MW |
Điện gió ngoài khơi | 1.000 MW | 0 MW |
Bảng 1: Đề xuất đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn
Thực hiện Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, chiến lược phát triển các nguồn năng lượng tái đã được xem xét, đánh giá như sau:
a) Điện mặt trời
TP HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1,581kWh/m2/năm. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP HCM rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN. TP HCM đã khảo sát, tính toán tiềm năng có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 5.081 MWp. Do đó Thành phố đã đặt mục tiêu phát triển ĐMTMN như sau:
- Giai đoạn đến năm 2025: Thành phố sẽ lắp đặt được khoảng 748 MWp, đạt tỷ lệ 14,72 % tổng tiềm năng ĐMTMN toàn Thành phố.
- Giai đoạn 2026-2030: Thành phố sẽ lắp đặt được khoảng 1.505 MWp, đạt tỷ lệ 29,62 % tổng tiềm năng ĐMTMN toàn Thành phố.
Nhằm tối ưu hóa các chính sách về phát triển ĐMTMN tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Sở Công Thương xây dựng Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, tổng công suất hệ thống ĐMTMN trên trụ sở công dự kiến lắp đặt trên địa bàn toàn Thành phố là khoảng 166,357MWp; trong giai đoạn 2023-2028: phấn đấu đạt mục tiêu lắp đặt 50% các tòa nhà công sở trên địa bàn Thành phố, tương ứng với công suất là 84MWp.
b) Năng lượng gió
Huyện Cần Giờ là khu vực có tiềm năng gió cao nhất của TP HCM và cũng là nơi có giá trị tốc độ gió trung bình tương đối cao. Tuy nhiên, hiện nay khu vực Thành phố chưa có dự án điện gió nào được triển khai đầu tư hoặc đưa vào đưa vào trong quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia. TP HCM hiện đang có nhà đầu tư đang đề xuất 02 dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ như sau:
- Dự án 1: quy mô công suất giai đoạn 1 là 1.000MW, giai đoạn 2 là 1.000MW.
- Dự án 2: quy mô công suất là 6.000MW (4.000MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 2.000MW cho mục đích sản xuất Hydrogen xanh trong giai đoạn sau 2030).
Hiện, nhà đầu tư đang lập đề xuất nghiên cứu để xin chủ trương đầu tư để tiến hành khảo sát đo gió hoàn thiện hồ sơ trình bổ sung vào quy hoạch điện VIII.
c) Điện rác
Trên địa bàn TP HCM đã có dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, đó là: Nhà máy điện rác Gò Cát bao gồm 3 tổ máy phát điện với tổng công suất lắp đặt là 2.4MW (đưa vào vận hành năm 2007), tuy nhiên đến nay đã ngừng vận hành do công nghệ đã cũ, lạc hậu.
Giai đoạn từ 2023 - 2025, trên địa bàn TP HCM có một số dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, đó là:
- Dự án “Nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa” với công suất phát điện khoảng 40MW;
- Dự án “Nhà máy điện rác VietStar” với công suất phát điện khoảng 40MW;
- Dự án “Nhà máy điện rác Tasco” với công suất phát điện khoảng 40MW;
- Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ Plasma của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đặt tại khu liên hợp Đa Phước, huyện Bình Chánh với công suất dự kiến khoảng 60 MW.
Việc phát triển nguồn điện từ rác đem lại nhiều lợi ích liên quan đến môi trường, an ninh, an toàn chất thải tại các đô thị lớn. Ngoài ra, nguồn điện sản xuất từ rác được đánh giá là ổn định hơn so với một số nguồn phát điện khác như không phụ thuộc và điều kiện thời tiết như điện mặt trời, thủy điện; không phụ thuộc vào biến động giá nhiên liệu như điện than, điện khí, v.v. Theo đó, nhu cầu tối thiểu về quy mô nguồn điện sản xuất từ rác của TP HCM cần được bố trí đến năm 2030 là 240 MW. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu ước tính khối lượng rác phát sinh đến năm 2030 tại Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô nguồn điện rác đối với khối lượng phát sinh thêm đến năm 2030 là 100 MW. Như vậy, quy mô nguồn điện rác của Thành phố đến năm 2030 là 340 MW, tương ứng với việc thu hồi năng lượng từ khoảng 15,000 tấn rác/ngày.
d) Điện sinh khối
Xét về mặt kỹ thuật, TP HCM ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối. Theo kết quả điều tra, khảo sát và tính toán, tiềm năng nguồn sinh khối chưa được khai thác sử dụng tại thành phố, mà chủ yếu là nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ. Tuy nhiên các nguồn sinh khối này thường nằm rải rác ở nhiều địa phương trên toàn thành phố, quy mô tập trung không cao. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM luôn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm nhẹ tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Dự báo trong tương lai tiềm năng nguồn sinh khối TP HCM vẫn duy trì ở mức như hiện tại. Do đó, trong giai đoạn 2016 – 2025, việc thu gom, khai thác các nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho mục đích sản xuất điện là rất khó khăn và không kinh tế.
e) Điện năng lượng khí hóa lỏng LNG
Hiện nay trên địa bàn TP HCM, nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước quy mô 1.200 MW đã được Thủ tướng phê duyệt về việc chuyển đổi nhiên liệu và bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo Văn bản 1264/TTg-CN ngày 17/9/2020. Dự án nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước giai đoạn II sẽ được triển khai sẽ được triển khai có công suất dự kiến khoảng 1.500MW.
STT | Loại hình | Khả năng thực hiện đến năm 2025 | Khả năng thực hiện đến năm 2030 | Khả năng thực hiện đến năm 2050 | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|
1 | ĐMTMN | 748 MWp | 1.505 MWp | 5.081 MWp | Tiềm năng 5.081 MWp |
| Trong đó, nhóm hành chính sự nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông |
| 84 MWp | 166 MWp | Tiềm năng 166 MWp |
2 | Điện gió | 0 | 1.055 MW | 8.055 MW |
|
2.1 | Điện gió trên bờ |
| 55 MW | 55 MW |
|
2.2 | Điện gió ngoài khơi |
| 1.000 MW | 8.000 MW |
|
| Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ I |
| 1.000 MW | 2.000 MW |
|
| Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ II |
|
| 6.000 MW |
|
3 | Điện rác | 240 | 340 | 340 |
|
3.1 | Nhà máy điện rác Tasco | 40 | 40 | 40 |
|
3.2 | Nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa | 40 | 40 | 40 |
|
3.3 | Nhà máy điện rác VietStar | 40 | 40 | 40 |
|
3.4 | Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ Plasma | 60 | 60 | 60 |
|
3.5 | Nhà máy điện rác khác | 60 | 160 | 160 |
|
4 | Điện khí hóa lỏng LNG |
| 1.200 | 2.700 |
|
4.1 | Nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước giai đoạn I |
| 1.200 | 1.200 |
|
4.2 | Nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước giai đoạn II |
|
| 1.500 |
|
Bảng 2: Tổng hợp khả năng thực hiện các loại hình năng lượng tái tạo trên địa bàn
f) Xe điện
Đối với phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch tại TP HCM, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 3998/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Hiện nay, TP HCM có 2.184 phương tiện xe buýt hoạt động trên 126 tuyến xe buýt, trong đó có 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 22 xe buýt điện.
- Trong giai đoạn 2022 – 2030, TP HCM phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
- Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
- Từ năm 2030, thành phố phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
- Đến năm 2050, thành phố hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.