Sử dụng điện mặt trời tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng : 29/06/2022

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đô thị phát triển nhất Việt Nam với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm tiêu dùng như hộ gia đình, thương mại, và công nghiệp ở TP.HCM cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam.

Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP.HCM: TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN). Theo “Báo cáo Đánh giá kỹ thuật Tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiềm năng ĐMTMN trên địa bàn Thành phố ước tính khoảng 6.300 MW.
Từ số vốn đầu tư ban đầu 60 triệu đến 100 triệu đồng cho một hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình, người dân nhận được rất nhiều lợi ích từ việc lắp đặt ĐMTMN. Lợi ích dễ nhận thấy nhất khi lắp đặt ĐMTMN đối với hộ gia đình là được sử dụng nguồn điện sạch, không chi phí vận hành, chi phí bảo trì bảo dưỡng không đáng kể, góp phần giảm chi phí tiền điện tiêu dùng hàng tháng, mái nhà cũng sẽ mát hơn khi có tấm quang điện áp vào phần mái. Bên cạnh đó, ĐMTMN còn là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận khá cao khi người dân còn có thể bán lại trực tiếp phần điện dư thừa sinh từ hệ thống cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM sẽ giúp hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Trong giai đoạn 2013-2019, công suất lắp đặt ĐMTMN nối lưới tăng rất nhanh qua từng năm, năm 2013 mới chỉ có 200 kWp ĐMTMN nối lưới được lắp đặt cho các hộ dân ngoài xã đảo Thạnh An khi chưa có lưới điện quốc gia, thì đến năm 2019 đã lên hơn 69 MWp. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2017-2020, kể từ khi Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống ĐMTMN để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện thông qua Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020, công suất lắp đặt ĐMTMN trên địa bàn Thành phố đã có một sự tăng trưởng nóng gấp 5 lần so với thời điểm năm 2019, tập trung vào giai đoạn cuối năm 2020:

Biểu đồ tăng trưởng ĐMTMN giai đoạn 2013-2020:

Với công suất lắp đặt đã hoà lưới năm 2020, sản lượng phát ngược năm 2021 là 298,85 triệu kWh, tương đương với số tiền bán ĐMTMN của người dân là khoảng 600 tỷ đồng.
Kể từ ngày 01/01/2021, trong thời gian Chính phủ ban hành cơ chế phát triển ĐMTMN mới, ngành điện đã dừng tiếp nhận các yêu cầu nối lưới và ký hợp đồng mua bán ĐMTMN đối với các hệ thống phát triển sau ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, đối với các hệ thống ĐMTMN đã được ký hợp đồng mua bán ĐMTMN thì việc bán điện vẫn được duy trì thực hiện theo thời gian hiệu lực của hợp đồng là 20 năm.

Lượt xem: 5763 | In :
Đưa tin: EVNHCMC