Phát triển năng lượng xanh từ nguồn chất thải rắn tại TP.HCM

Ngày đăng : 29/06/2022

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một trong những trung tâm đô thị phát triển nhất Việt Nam với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm tiêu dùng như hộ gia đình, thương mại, và công nghiệp ở TP.HCM luôn cao hơn so với các Thành phố khác tại Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ toàn Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2021 là 7%/năm, đáp ứng cho cho tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình 7%-9%/năm. Trong các giai đoạn phát triển sắp tới, dự báo tăng trưởng điện tiêu thụ tiếp tục tăng cao để đáp ứng được đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP.HCM.

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (nguồn: Google Maps)

TP.HCM rất quan tâm đến việc phát triển các nguồn năng lượng xanh nhằm chủ động đáp ứng một phần nhu cầu điện năng và bảo vệ môi trường. Do đặc thù về vị trí địa lý, hạn chế về quỹ đất nên TP.HCM không có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng xanh như thủy điện và điện gió. TP.HCM đã định hướng tập trung ưu tiên phát triển 02 nguồn năng lượng xanh là năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải).
Với số lượng dân cư thực tế gần 14 triệu người, mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 13.000 tấn rác thải; trong đó có 8.300 - 8.500 tấn rác sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Việc xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm 76% tại 2 bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Việc kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách. TP.HCM đã lập mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%.
Trước yêu cầu đó, nhiều đơn vị đang tiếp nhận xử lý rác thải đã dần chuyển đổi công nghệ xử lý từ chôn lấp sang đốt rác phát điện. Trong giai đoạn từ 2023 – 2025, trên địa bàn TP.HCM sẽ có một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện là: i) Dự án “Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa” với công suất phát điện khoảng 40MW; ii) Dự án “Nhà máy đốt rác phát điện VietStar” với công suất phát điện khoảng 40MW; iii) Dự án “Nhà máy đốt rác phát điện Tasco” với công suất phát điện khoảng 40MW; iv) Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ Plasma dự kiến đặt tại khu liên hợp Đa Phước, huyện Bình Chánh với công suất thiết kế 57,68 MW;
Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã sẵn sàng góp phần trong việc phát triển nguồn năng lượng xanh từ chất thải rắn bằng việc đầu tư hạ tầng lưới điện để giải tỏa công suất phát của tất các nhà máy phát điện từ đốt rác. Nổi bật trong công tác đầu tư này là việc EVNHCMC đang triển khai xây dựng “Trạm biến áp 110kV Phước Hiệp” để giải tỏa công suất phát điện cho toàn bộ khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) với quy mô lên tới 687ha.
Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng sẽ cam kết ký hợp đồng mua lại toàn bộ sản lượng điện năng xanh này theo các cơ chế giá điện ưu đãi của Chính phủ, giúp chủ đầu tư an tâm thu hồi vốn, tiếp tục tái đầu tư vào các dự án năng lượng xanh khác trong thời gian tới.

Lượt xem: 4850 | In :
Đưa tin: EVNHCMC