Hiện trạng và chiến lược phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP HCM
Ngày đăng : 22/05/2024
1. Hiện trạng
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đô thị phát triển nhất Việt Nam với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm tiêu dùng như hộ gia đình, thương mại, và công nghiệp ở TP HCM cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn năng lượng điện cung cấp cho TP HCM hiện không đủ nhiều, phải sử dụng thêm nguồn năng lượng từ các địa phương lân cận. Vì vậy, việc phát triển nguồn năng lượng tại chỗ để cung cấp cho thành phố là hết sức cần thiết. TP HCM đã ưu tiên quy hoạch các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo bao gồm: điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), điện từ chất thải rắn (năng lượng sinh khối) và điện gió, nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện đạt tối thiểu 15%.
Trong các dạng năng lượng tái tạo nêu trên thì TP HCM có thế mạnh về năng lượng mặt trời. Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời của Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020, nhiều chủ đầu tư là hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM đã lắp đặt các hệ thống ĐMTMN để phát điện. Một phần điện năng phát sẽ được chủ đầu tư tự sử dụng, phần điện năng dư còn lại sẽ phát ngược lên lưới điện và được EVNHCMC mua lại theo giá cố định trong vòng 20 năm theo đúng quy định của Chính phủ. Từ ngày 01/01/2021 tới nay, việc ký hợp đồng mua bán ĐMTMN đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.
Tuy nhiên, tính hết ngày 31/3/2024, Thành phố mới chỉ có 14.059 hệ thống ĐMTMN đang ký hợp đồng mua bán ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 353,7 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện, đạt tỉ lệ 3,69% so với tổng công suất lắp đặt của cả nước. Tổng sản lượng điện phát trung bình hàng năm là 515 triệu kWh. Trong đó, khách hàng tự tiêu thụ trung bình 215 triệu kWh (chiếm 42%), sản lượng điện dư phát lên lưới trung bình là 300 triệu kWh (chiếm 58%).
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản | Công nghiệp, xây dựng | Thương nghiệp-Khách sạn-Nhà hàng | Sinh hoạt dân dụng | Các hoạt động khác | Tổng | |
Số hệ thống ĐMTMN | 61 | 451 | 634 | 12.744 | 169 | 14.059 |
Công suất lắp đặt (MWp) | 2,74 | 108,46 | 37,5 | 186,69 | 18,31 | 353,7 |
Bảng 1: Phân bổ số lượng và công suất lắp đặt theo thành phần phụ tải tính đến ngày 31/3/2024
Hình 1: Tỉ lệ phân bổ theo số lượng hệ thống
Hình 2: Tỉ lệ phân bổ theo công suất lắp đặt
Với đặc tính đồ thị phụ tải của TP HCM, việc lắp đặt các hệ thống ĐMTMN đã góp phần cắt giảm phụ tải đỉnh, giảm chi phí đầu tư hạ tầng nguồn và lưới điện, góp phần đảm bảo kết cấu lưới điện TP HCM có độ dự phòng cao và đảm bảo an ninh cung cấp điện cho khu vực TP HCM.
2. Chiến lược phát triển
Phát triển ĐMTMN tại TP HCM có nhiều điều kiện thuận lợi do đây là địa phương có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, số giờ nắng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Bên cạnh đó, TP HCM là phụ tải lớn và tập trung sẽ giúp hạn chế tổn thất vì không cần phải truyền tải công suất, hấp thụ nhiệt năng giảm chi phí điều hòa, hạ tầng mái và nguồn vốn đầu tư thuận lợi, nguồn nhân lực kỹ thuật lắp đặt và vận hành tốt để đáp ứng việc phát triển ĐMTMN.
Theo “Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP HCM đến năm 2030” của Sở Công Thương: Tổng tiềm năng phát triển ĐMTMN trên địa bàn Thành phố là rất lớn lên đến 5,081 MWp, có thể đáp ứng 13,60% nhu cầu công suất và 4,29% nhu cầu tiêu thụ điện năng toàn Thành phố. Cụ thể, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Sở Công Thương phối hợp Tổng công ty Điện lực TP HCM và Viện năng lượng xây dựng Đề án phát triển ĐMTMN với mục tiêu:
Đến năm 2025 đạt khoảng: 748 MWp đạt tỷ lệ 14,72% tổng tiềm năng ĐMTMN toàn Thành phố.
Đến năm 2030 đạt khoảng: 1.505 MWp đạt tỷ lệ 29,62% tổng tiềm năng ĐMTMN toàn Thành phố.
Do quỹ đất hạn chế, việc phát triển điện mặt trời tại TP HCM sẽ được xem xét tập trung theo hướng phát triển ứng dụng hệ thống ĐMTMN cho các toà nhà (hộ gia đình, các tòa chung cư, các trung tâm hành chính của thành phố).
Vào ngày 24/6/2023, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được Quốc hội thông qua. Theo đó, các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố có mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật sẽ được phép sử dụng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Trên cơ sở đó, ngay khi Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội có hiệu lực, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tổ chức xây dựng Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, cụ thể như sau:
Tổng công suất hệ thống ĐMTMN trên trụ sở công dự kiến lắp đặt toàn Thành phố là khoảng 166,357 MWp; tương ứng với mức khái toán tổng chi phí đầu tư lắp đặt là khoảng 2.500 tỷ đồng (trong đó dự kiến ngân sách Thành phố bố trí để lắp đặt tại trụ sở cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Thành phố quản lý là 497 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 2023-2028: phấn đấu đạt mục tiêu lắp đặt 50% các tòa nhà công sở trên địa bàn Thành phố, tương ứng với công suất là 84 MWp và khái toán tổng chi phí đầu tư lắp đặt là 1.260 tỷ đồng.
Hình 3: Hệ thống ĐMTMN lắp đặt tại tòa nhà Bệnh viện Quận 11
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới. Đây là căn cứ để Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” có cơ sở thực hiện.
Như vậy, trong thời gian tới, TP HCM sẽ có thêm nguồn cung cấp điện tại chỗ là ĐMTMN từ các đơn vị hành chính sự nghiệp.Việc phát triển hệ thống ĐMTMN tại TP HCM mang ý nghĩa rất lớn về xã hội và môi trường vì đây là nguồn điện phân tán và nguồn năng lượng xanh hết sức hiệu quả tại các khu vực đô thị, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, đóng góp vào định hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net-Zero của Chính phủ.