Hiện trạng và xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch trên địa bàn TP HCM

Ngày đăng : 29/05/2024

Trong bối cảnh việc sử dụng quá mức nhiên liệu hóa thạch làm cho tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng của các quốc gia, nhiên liệu sạch thay thế xăng dầu dùng cho các phương tiện giao thông vận tải đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Một số nhiên liệu sạch có thể kể đến là: hydro, ethanol, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khí thiên nhiên CNG, dầu diesel sinh học và điện. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cũng hướng tới giao thông xanh và xem đây là trong những giải pháp lý tưởng nhằm giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải cac-bon và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo số liệu do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cung cấp, tính đến cuối năm 2021, tổng số phương tiện cơ giới đường bộ Thành phố đang quản lý là 8.447.748 phương tiện, gồm 819.166 ôtô và 7.658.582 môtô. Xe hai bánh cá nhân (bao gồm cả xe điện hai bánh) vẫn là phương tiện chính trong dòng xe lưu thông tại TP HCM với tỷ lệ cao, chiếm 83,95% tổng phương tiện đang được quản lý. Trong đó, số lượng xe điện hai bánh là 12.575 chiếc. Xe ba bánh/xe bốn bánh chiếm tỷ lệ 2,94%. Ôtô  tải chiếm tỷ lệ 4,17%, Ôtô chở người chiếm 8,1%, Sơ mi rơ móc/Xe rơ móc chiếm 0,66% và Ôtô  khác/Xe chuyên dụng chiếm 0,18%.

1. Xe buýt sử dụng khí thiên nhiên CNG

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống xe buýt tại TP HCM đang vận hành với hai loại nhiên liệu chính: diesel và CNG. Thành phố cũng đã quan tâm, đầu tư phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Tính đến hết năm 2020, Thành phố có 1.281 xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel và 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá với 04 trạm cung cấp CNG được đặt tại: bãi xe buýt Phổ Quang, bến xe buýt ĐH Quốc gia, bến xe An Sương và trạm Tân Kiên.

Việc sử dụng xe buýt CNG đã góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ người dân Thành phố và được đông đảo người dân đón nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, xe buýt CNG gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Số lượng hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG không nhiều và không thuận tiện cho mỗi lần nạp (lâu gấp 4 lần so với bơm dầu), gây nhiều phiền toái cho nhân viên phục vụ loại xe này. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng thêm trạm nạp thường phải kéo dài, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến khí đốt. Mặt khác, các loại xe buýt CNG thường có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu truyền thống (diesel) từ 20 đến 50%. Đây cũng là một rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc phát triển loại xe buýt này.

Thành phố hiện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch trong thời gian tới như phối hợp với các bên liên quan khảo sát, xác định các vị trí có thể xây dựng trạm nạp khí CNG, đơn giản hóa thủ tục xây dựng để mở rộng hệ thống trạm. Ủy ban nhân dân TP HCM đã phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi mua sắm xe buýt CNG thấp hơn xe buýt thường 3%. Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã phối hợp các sở, ngành và các doanh nghiệp để thực hiện đề án quy hoạch các trạm cung cấp khí CNG cho hệ thống xe buýt của TP HCM và các tỉnh lân cận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Đồng thời, lập đề án cho thuê mặt bằng các trạm điều hành xe buýt để xây dựng các trạm cung cấp khí CNG phụ vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

 

Hình 1: xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (nguồn Báo Giao thông)

2. Xe buýt điện

Bên cạnh xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, TP HCM cũng quan tâm phát triển xe buýt điện. Năm 2016, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt đề án thí điểm 03 tuyến xe buýt không trợ giá chạy bằng năng lượng điện (xe buýt điện) hoạt động trong phạm vi hạn chế theo Quyết định số 5882/QĐ-UBND ngày 09/11/2016. Loại xe điện được sử dụng là xe điện 04 bánh với 12 chỗ ngồi, thời gian thí điểm là 03 năm. Đến năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn Thành phố, thời gian thí điểm là 24 tháng, kể từ ngày bắt đầu hoạt động theo văn bản số 876/UBND-ĐT. Theo đó, quy mô triển khai thí điểm các tuyến xe buýt điện là 05 tuyến với 77 phương tiện, hoạt động theo hình thức có trợ giá với tỉ lệ trợ giá/chi phí là 44,1% do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đảm nhận. Ngày 9/3/2022, TP HCM đã có tuyến xe buýt điện đầu tiên được đưa vào vận hành khai thác trên tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) với chính sách giá vé chung như các tuyến xe buýt khác của Thành phố. Sau một năm thí điểm, tuyến xe buýt điện D4 đã có 30.195 chuyến, bình quân 108 chuyến/ngày với 679.838 lượt khách (hơn 20 khách/chuyến). Dự kiến TP HCM sẽ thêm 4 tuyến xe buýt điện đi vào hoạt động sau khi xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng (Depot, trạm sạc...).

Hình 2: Xe buýt điện (nguồn: Báo Dân Việt)

Vào ngày 12/4/2024, Thành phố đã khai trương dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan, du lịch tại TP HCM. Theo đó, có 70 xe được triển khai tại khu vực quận 1 - quận 4, quận 5 - quận 6, hoạt động từ 6h đến 24h mỗi ngày, thí điểm đến hết năm 2025. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách du lịch tham quan Thành phố.

Việc đưa xe buýt điện vào hoạt động đã tạo ra sự đa dạng hóa trong lựa chọn phương tiện của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vào tháng 10/2022, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã thông báo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị tới các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ôtô và Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM. Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

3. Xe điện cá nhân

Việc sử dụng xe điện trong thời gian qua chưa phổ biến là do bị hạn chế bởi giá thành và tính thuận tiện của xe điện khi tham gia giao thông. Hiện tại, hạ tầng trạm sạc điện tại Việt Nam nói chung cũng như TP HCM nói riêng mới chỉ ở giai đoạn đầu rất sơ khai với sự tham gia phát triển của một số công ty tư nhân, chưa có một hệ thống sạc công cộng nào do nhà nước đầu tư xây dựng. Hầu hết các xe máy điện của đều được sạc tại nhà. Trên cả nước, hiện tại chỉ có Công ty Vinfast thực hiện việc xây dựng và lắp đặt trạm sạc cho xe ôtô điện. Riêng tại TP HCM, tính đến tháng 4/2024 đã có 73 trạm sạc đang mua điện từ lưới của Tổng công ty Điện lực TP HCM. Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn xe điện được lưu hành cũng như chưa có các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện. Việc thiếu các tiêu chuẩn đối với hệ thống trạm sạc xe điện có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện quốc gia.

TP HCM là một trong những thành phố của Việt Nam phải chịu các tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Thành phố đã thiết lập các mục tiêu rõ ràng để ứng phó với biến đổi khí hậu trong “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” ban hành ngày 8/9/2021. Theo đó, Thành phố đã đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Do lượng khí nhà kính phát thải từ lĩnh vực giao thông vận tải chiếm tới 45% tổng lượng khí nhà kính nên việc điện hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải được xem là giải pháp tiềm năng nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố.

Hiện, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã lập Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có xây dựng các kịch bản phát triển xe điện cho Thành phố, trên cơ sở đó, đánh giá, xem xét khả năng đáp ứng của hệ thống điện Thành phố cũng như đề xuất các công nghệ phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển xe điện trong tương lai, nhằm góp phần đạt được mục tiêu chung của quốc gia là đưa mức phảt thải ròng về “0” vào năm 2050.

Lượt xem: 2086 | In :
Đưa tin: Phan Hoàng Tâm