Phân tích dữ liệu (Phần 1) - Thúc đẩy văn hóa dữ liệu tại EVNHCMC

Ngày đăng : 30/06/2024

Văn hóa dữ liệu (Data Culture)
Văn hóa của một tổ chức giúp nhân viên xác định cách thức hành xử đúng nhất và phù hợp trong tổ chức. Văn hóa này bao gồm những niềm tin và giá trị được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo, sau đó được truyền đạt và củng cố thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, cuối cùng là định hình nhận thức, hành vi và sự hiểu biết của nhân viên.
Văn hóa tổ chức là một hệ thống các giả định, giá trị và niềm tin được chia sẻ, dùng để điều chỉnh cách mọi người hành xử trong tổ chức. Mọi tổ chức đều phát triển và duy trì một nền văn hóa độc đáo, nó cung cấp các hướng dẫn và ranh giới cho hành vi của các các nhân trong chính tổ chức.
Văn hóa dữ liệu cũng là một phần của văn hóa tổ chức, một cách đơn giản có thể hiểu văn hóa dữ liệu là bộ các quy tắc, công cụ hỗ trợ các cá nhân, phòng ban cách ứng xử, cách thực hiện phù hợp nhất với các công việc liên quan đến dữ liệu hay cách dùng tài sản dữ liệu của doanh nghiệp sao cho hiệu quả nhất - ưu tiên việc ra quyết định dựa trên dữ liệu.
 

Hình 1: Văn hóa dữ liệu (Data Culture)

Tại sao Văn hóa dữ liệu lại quan trọng
Văn hóa dữ liệu cũng như văn hóa tổ chức, chỉ có thể định hình rõ nhất bởi chính con người. 
Theo khảo sát về phân tích dữ liệu của hãng McKinsey năm 2018, “chỉ có 8% số công ty có thể mở rộng phạm vi ứng dụng phân tích dữ liệu trong tổ chức và thực sự gặt hái được thành công”. Trong đó, công nghệ kỹ thuật chỉ là một phần của quá trình hỗ trợ ra quyết định, phần quan trọng hơn là yêu cầu sự thay đổi tư duy, thái độ, thói quen làm việc, phải đưa dữ liệu vào bản sắc của tổ chức, coi phát triển văn hóa dữ liệu là điều bắt buộc.
Cũng theo McKinsey, việc giải thích cách ứng dụng dữ liệu vào quy trình ra quyết định là đơn giản nhưng để thay đổi tư duy của đội ngũ nhân viên, để họ coi đây là việc bình thường, tự động thực hiện thì là thách thức vô cùng lớn.
Đối với Microsoft, văn hóa dữ liệu được phát triển là văn hóa trong đó “mọi nhóm và mọi cá nhân được trao quyền để tạo ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo nhờ nguồn dữ liệu họ có thể tiếp cận trực tiếp”. Điều này nhấn mạnh việc trao quyền cho mọi cá nhân trong tổ chức, để khai thác giá trị từ dữ liệu cần xây dựng một bộ các công cụ kỹ thuật, quy tắc và phương pháp chuẩn nhất để hướng dẫn các nhân viên thực hiện.
Phát triển Văn hóa dữ liệu trong tổ chức
Phát triển văn hóa dữ liệu trong tổ chức cần đến 2 thành phần, đó chính là con người và công nghệ.
Nền tảng công nghệ là cơ sở, công cụ để hình thành văn hóa dữ liệu. Cụ thể là các hệ thống, phần mềm hỗ trợ quản lý, phân tích dữ liệu với nhiều tính năng, vừa dễ hiểu, dễ sử dụng, sẽ thúc đẩy, phát triển văn hóa dữ liệu tốt hơn.
Con người ở đây là nói đến nguồn nhân lực, cần có đội ngũ những người có kinh nghiệm, kỹ năng, am hiểu về khoa học dữ liệu (hoặc ít nhất outsource từ các tổ chức bên ngoài), họ sẽ góp phần vào quá trình hình thành các quy tắc, các chỉ dẫn, hành vi trong văn hóa dữ liệu. Theo Tableau, để văn hóa dữ liệu được hình thành, tổ chức cần đạt được 5 yếu tố ở khía cạnh con người:
Lòng tin (Trust)
Niềm tin là gốc rễ của văn hóa dữ liệu. Các nhà lãnh đạo tin tưởng người của họ, mọi người tin tưởng vào dữ liệu và mọi người tin tưởng lẫn nhau.
Mọi người được cung cấp dữ liệu để đưa ra quyết định tự tin. Họ được hỗ trợ bởi mô hình quản trị dữ liệu phù hợp với khả năng truy cập an toàn, mọi lúc mọi nơi. Điều này tạo ra một nguồn dữ liệu tin cậy duy nhất, giúp phá vỡ các khu biệt (silos) giữa các phòng ban để xây dựng mối quan hệ cộng tác, tin cậy cao.
Sự cam kết (Commitment)
Tất cả mọi người cần coi dữ liệu như một tài sản chiến lược. Họ hoàn toàn nhận ra giá trị của tài sản dữ liệu - không chỉ lưu trữ và thu thập dữ liệu mà còn giúp họ sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định tốt hơn trong quá trình làm việc.
Cam kết này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các khía cạnh của tổ chức - từ cơ cấu tổ chức đến các quy trình nghiệp vụ hàng ngày. Có bộ phận được chỉ định chịu trách nhiệm về việc sử dụng dữ liệu của tổ chức, đảm bảo gắn liền các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng.
Tài năng (Talent)
Cần ưu tiên các kỹ năng dữ liệu như một phần của chiến lược nhân tài, bao gồm tuyển dụng và đào tạo - được nêu rõ ràng trong mô tả công việc và được xác định trong quá trình tuyển dụng. Mọi người trong tổ chức nên cảm thấy tự tin khi tìm ra dữ liệu phù hợp, áp dụng các khái niệm phân tích vào công việc và truyền đạt những phát hiện của họ.
Chia sẻ (Sharing)
Hầu hết các vấn đề cần quan tâm không chỉ giới hạn trong một bộ phận hoặc một khối nghiệp vụ. Dữ liệu đến từ nhiều hệ thống khác nhau đòi hỏi sự cộng tác giữa nhiều bộ phận. 
Trong văn hóa dữ liệu, mọi người có chung mục đích là sử dụng dữ liệu để cải thiện tổ chức, tinh thần chia sẻ này tạo ra một nguồn năng lượng lan truyền, phát triển ý thức cộng đồng, sự đoàn kết trong tổ chức.
Tư duy (Mindset)
Phát triển tư duy dựa trên dữ liệu cũng quan trọng như phát triển các kỹ năng về dữ liệu. Trong văn hóa dữ liệu, mọi người ưu tiên dữ liệu hơn trực giác, kinh nghiệm. Khi tư duy này được mọi người chia sẻ, sẽ tạo ra cuộc thảo luận cởi mở, nơi các ý tưởng dẫn đến sự khám phá và đổi mới.
Tổ chức phải khuyến khích nhân viên tò mò, tìm ra các vấn đề trong kinh doanh, phân tích dữ liệu để tự đưa ra các giả định, kết luận, rồi sau đó chia sẻ với người khác để nhận về các ý kiến, đóng góp. Khi tất cả các hành động này trở thành thói quen, tư duy và nhận thức sẽ thay đổi, dữ liệu từ đó trở thành vũ khí giúp tổ chức đạt được mục tiêu thành công, tăng trưởng.
Tổ chức hay các lãnh đạo, các phòng ban cần khuyến khích việc thử nghiệm các ý tưởng và sẵn sàng đổi mới, tạo sự thoải mái cho nhân viên khi chia sẻ các hiểu biết, thông tin giá trị mới khai phá từ dữ liệu, giúp họ tự tin trình bày quan điểm của mình, và không có bất kỳ cảm giác lo lắng khi nhận về các phản hồi.
Thúc đẩy văn hóa dữ liệu tại EVNHCMC
Xây dựng văn hóa dữ liệu là cả một quá trình lâu dài - bền bỉ, cần rất nhiều nỗ lực về nhận thức và tổ chức thực hiện.
Trong những năm qua, EVNHCMC đã có sự quan tâm đáng kể, đã có những động thái chuyển mình theo hướng data-driven (điều hành hoạt động doanh nghiệp dựa vào dữ liệu thu thập, phân tích được). Năm 2021, đã xây dựng “Tài liệu Văn hóa số phục vụ Kế hoạch chuyển đổi số của EVNHCMC” với thông điệp truyền thông đến toàn thể CNVC-LĐ:
“Văn hóa số của EVNHCMC là niềm tin được thắp sáng lên bằng cách cộng tác, kết nối, minh bạch, linh hoạt, hướng dữ liệu, đổi mới, thích ứng và cởi mở hơn với tư tưởng khách hàng là trung tâm, chúng ta có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho Tổng công ty, cho người lao động, cho khách hàng và cộng đồng xã hội.”
Bốn trụ cột văn hóa số của EVNHCMC là một doanh nghiệp coi trọng văn hóa dữ liệu, phát triển tri thức và trí thông minh doanh nghiệp từ nền tảng dữ liệu của EVNHCMC, từ đó thúc đẩy tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Việc nâng cao nhận thức về văn hóa dữ liệu được triển khai xuyên suốt theo Kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số của EVNHCMC. Giai đoạn 2021-2022, EVNHCMC đã tổ chức nhiều hình thức nâng cao nhận thức về hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện các tin, bài viết chuyên mục chuyển đổi số trên trang thông tin Chăm sóc khách hàng ; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Tài liệu Văn hóa số.
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVNHCMC rất quan tâm, thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, các cuộc họp để lắng nghe các ý kiến phản hồi từ CNVC-LĐ các thách thức trong quá trình xây dựng văn hóa dữ liệu. Cho phép cá nhân, phòng ban chia sẻ các giải pháp công nghệ, các phương pháp phân tích mới tìm hiểu được, góp phần tối ưu năng lực khai thác dữ liệu của Tổng công ty.
Năm 2022, EVNHCMC cũng đã triển khai thành công hệ thống khai thác dữ liệu ứng dụng công nghệ BI (Business Intelligent) vào việc xây dựng các báo cáo, khai thác, phân tích dữ liệu. Qua đó, góp phần phát triển văn hóa dữ liệu của Tổng công ty, chuẩn hóa bộ công cụ hỗ trợ phân tích dữ - ưu tiên việc ra quyết định dựa trên dữ liệu.
 

Lượt xem: 1898 | In :
Đưa tin: Lương Cao Vinh